Thứ Tư, 20 tháng 11, 2013

DỰ ÁN BMGF TẠI VIỆT NAM

ICTnews - Khi có thêm 16 tỉnh tham gia vào Dự án BMGF VN của giai đoạn II, bước 2 sẽ nâng số tỉnh được triển khai Dự án lên đến 28 tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa có các điểm truy cập Internet miễn phí. Theo đó, hàng trăm ngàn người dân nghèo có cơ hội tiếp cận với máy tính và Internet.
 Bước 1 và những kết quả đáng ghi nhận
Dự án “Nâng cao khả năng sử dụng máy tính và truy nhập internet công cộng tại Việt Nam” do tổ chức phi chính phủ nước ngoài Bill & Melinda Gates Foundation (BMGF) tài trợ được thực hiện trong 5 năm, từ 2011-2016 với tổng kinh phí của dự án là 50.568.362 USD (trong đó tài trợ không hoàn lại của BMGF là 29.998.220 USD, đóng góp bằng phần mềm của Microsoft là 3.639.000 USD và 16.931.142 USD vốn đối ứng của phía Việt Nam).
Mục tiêu lâu dài của Dự án mở rộng là góp phần nâng cao năng lực phục vụ và cách thức cung cấp thông tin máy tính và Internet cho các thư viện công cộng và điểm BĐVHX với tầm nhìn mới; tập trung hỗ trợ người  nghèo và những người sống ở vùng đặc biệt khó khăn có cơ hội được tiếp cận bình đẳng, hiệu quả và bền vững với CNTT và được hưởng những lợi ích về kinh tế xã hội mà việc tiếp cận với CNTT mang lại. Từ đó, cải thiện được cuộc sống của cá nhân, đồng thời đóng góp được cho gia đình họ, cho cộng đồng và xã hội.
Bước 1 của Dự án đã được triển khai trong 15 tháng (từ tháng 4/2012 đến 6/2013) tại 12 tỉnh gồm Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Đắc Nông, Bình Phước, Tây Ninh, Bến Tre, Trà Vinh và Sóc Trăng cùng 3 trung tâm đào tạo vùng tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh. Đã có 637 điểm của Dự án bao gồm 311 điểm thư viện, 323 điểm BĐVHX và 3 Trung tâm đào tạo vùng được lắp đặt máy tính và đưa vào hoạt động.
Theo số liệu thống kế từ hệ thống Observatory từ 1/6/2012 đến 30/9/2013 đã có 218.250 lượt người sử dụng máy tính ở 12 tỉnh trong bước 1 với tổng thời lượng truy nhập Internet là 2.028.191 giờ. Đây là một con số đáng ghi nhận từ hiệu quả của Dự án.
Để đảm bảo tính bền vững lâu dài, Dự án đã nhanh chóng tổ chức nhiều khóa đào tạo cho 4.700 lượt cán bộ quản lý các cấp cũng như nhân viên kỹ năng để quản lý và hướng dẫn người dân sử dụng máy tính, truy cập Internet hiệu quả nhất. Bên cạnh đó, Dự án tổ chức hàng loạt các hoạt động truyền thông từ Trung ương đến địa phương. Trên thực tế, đã có 2.100 sự kiện truyền thông gồm Ngày hội Internet, Internet với phụ nữ, thanh niên, mùa hè tình nguyện... thu hút được hơn 85.000 người tham dự.

3 nhận xét: